Công bố Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương xác định mục tiêu: phát triển thành phố Hải Dương với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh, bền vững; hướng tới một đô thị xanh, thông minh; hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại.
Đồ án xác định tính chất đô thị của thành phố Hải Dương là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Hải Dương, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Hải Dương; đô thị xanh, thông minh, hiện đại và mang bản sắc văn hóa xứ Đông.
Thành phố Hải Dương phát triển theo mô hình trục vành đai và các trục xuyên tâm với hạt nhân là đô thị trung tâm hiện hữu giới hạn bởi sông Thái Bình và sông Sặt phát triển lan tỏa sang khu vực phía Nam, Đông và Bắc.
Cấu trúc phát triển thành phố Hải Dương có 4 vùng gồm: vùng đô thị trung tâm là vùng đô thị hiện hữu gắn với chức năng trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp của thành phố Hải Dương, là khu vực có giá trị văn hóa lịch sử cần bảo tồn và phát huy văn hóa con người xứ Đông; vùng phía Nam gắn với các chức năng trung tâm y tế, giáo dục thể dục thể thao cấp vùng, dịch vụ thương mại và vui chơi giải trí; vùng phía đông là vùng đô thị sinh thái gắn với trung tâm văn hóa, triển lãm mới, không gian phát triển du lịch và nông nghiệp chất lượng cao; vùng phía Bắc là khu vực ngoại thị gắn với các chức năng dịch vụ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, khu vực kết nối không gian với khu vực huyện Nam Sách.
Quy hoạch điều chỉnh cũng xác định không gian tổng thể của thành phố Hải Dương sẽ phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu, lấy dòng sông Thái Bình và sông Sặt là trục không gian phát triển chính của thành phố, cùng với tuyến vành đai 1, vành đai 2 của thành phố, vành đai 5 vùng thủ đô và các tuyến đường xuyên tâm.
Sông Thái Bình và sông Sặt là trục cảnh quan chính của đô thị, tạo nên cấu trúc đô thị hai bên sông; tổ chức các cầu mới qua sông đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, phát huy giá trị cảnh quan.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thành phố phát triển theo 6 phân khu, trong đó khu 1 là khu trung tâm đô thị hiện hữu thuộc một phần các phường Việt Hòa, Tứ Minh, Thanh Bình, Tân Bình, Cẩm Thượng, Phạm Ngũ Lão, Bình Hàn, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Lê Thanh Nghị, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nhị Châu, Ngọc Châu và Hải Tân.
Khu 2 là không gian sông Thái Bình thuộc một phần các xã, phường Việt Hòa, Cẩm Thượng, Bình Hàn, Nhị Châu, Ngọc Châu, Hải Tân, Ngọc Sơn, Tiền Tiến, Nam Đồng và An Thượng.
Khu 3 là khu đô thị văn hóa, thể thao, giáo dục và y tế mới phía Tây Nam thuộc một phần các phường, xã Thạch Khôi, Liên Hồng và Gia Xuyên.
Khu 4 là khu đô thị xanh, thông minh phía Nam thuộc một phần các phường, xã Lê Thanh Nghị, Hải Tân, Tân Hưng, Gia Xuyên, Ngọc Sơn.
Khu số 5 là khu đô thị mới sinh thái phía Đông thuộc một phần các phường, xã Nam Đồng, Quyết Thắng và Tiền Tiến.
Khu số 6 là khu vực phát triển đô thị dịch vụ công nghiệp phía Bắc thuộc một phần các phường, xã Nam Đồng, An Thượng, Ái Quốc.
Quy mô dân số toàn thành phố Hải Dương đến năm 2030 là khoảng 485.000 người và đến năm 2040 khoảng 668.500 người. Đến năm 2040, thành phố sẽ thành lập thêm 2 phường nội thị là Liên Hồng và Quyết Thắng, diện tích nội thị khoảng 8.400ha và ngoại thị khoảng 2.700ha.
Về giao thông, thành phố Hải Dương sẽ xây dựng thêm 7 cây cầu mới; trong đó, 4 cầu mới qua sông Thái Bình và 3 cầu mới qua sông Sặt nối khu vực trung tâm hiện hữu với khu vực phía Đông và phía Bắc. Đồng thời, xây dựng mới 15 nút giao thông khác mức giữa các tuyến đường bộ đối ngoại và giữa đường bộ đối ngoại với hệ thống đường sắt.
Từ nay đến năm 2030, thành phố Hải Dương ưu tiên hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; hệ thống hạ tầng khung đô thị; điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng; Đề án di dời trụ sở một số cơ quan, ban, ngành. Đồng thời, cải tạo chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu, phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối đô thị như hoàn thiện tuyến đường vành đai 1, đường trục chính Bắc Nam phía Nam cầu Lộ Cương, kết nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Thành phố cũng sẽ phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven sông Thái Bình và sông Sặt, hoàn thiện các tuyến đường ven sông, không gian công cộng và dịch vụ công cộng ven sông; mở rộng đô thị về phía Đông (Nam Đồng – Quyết Thắng), phía Nam (Liên Hồng – Thạch Khôi) và mở rộng kết nối về phía Bắc với huyện Nam Sách. Cùng đó, đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng mở rộng các cụm công nghiệp, xây dựng trung tâm logistics – dịch vụ hậu cần kho bãi trung chuyển hàng hóa…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, quy hoạch này tạo tiền để cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Dương nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung và có ý nghĩa quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, quốc gia. Khẳng định quy hoạch chung thành phố Hải Dương đã xác định tầm nhìn mới, khẳng định tính chất, vai trò, vị thế của thành phố trong điều kiện, tình hình mới. Quy hoạch là căn cứ để thành phố Hải Dương quản lý tốt hoạt động xây dựng trên địa bàn, triển khai lập quy hoạch đô thị, các dự án đầu tư bảo đảm các quan điểm, nguyên tắc, tuân thủ định hướng phát triển không gian.
Thành phố Hải Dương có vị trí quan trọng trong vùng Thủ đô Hà Nội.
Để triển khai có hiệu quả quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Dương và các sở, ban, ngành của tỉnh khi nghiên cứu các dự án đầu tư ven sông Thái Bình, sông Sặt, khu vực bãi sông nằm trong hành lang thoát lũ sông Thái Bình phải tuân thủ các quy định về đê điều, phòng chống lũ. Đồng thời đánh giá các tác động đến kinh tế-xã hội, cảnh quan môi trường, an ninh, quốc phòng.
Chủ động dành không gian cho phát triển trong tương lai và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Đối với chủ trương di dời các cơ quan, cơ sở, nhà máy trong khu vực trung tâm cần xem xét lộ trình cụ thể, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên. Thành phố Hải Dương phải quản lý toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị theo đúng quy hoạch.